Thế là tấn tuồng đàn hặc, hay luận tội truất quyền (impeachment) cựu Tổng thống Donald Trump đã hạ màn, đúng theo kịch bản do phe Dân Chủ ở Hạ Viện dàn dựng lần thứ hai trong vòng một năm và kết quả cũng như lần trước: một viên đạn thối, mà không làm ai ngạc nhiên.
Ông Trump bị Hạ viện do đảng Dân Chủ chiếm đa số bỏ phiếu theo phe đảng, đàn hặc ngày 12 tháng 1 vì bị cáo buộc xúi dục những người ủng hộ gây ra cuộc nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 khiến 5 người bị thiệt mạng.
Phe Dân Chủ cố lôi kéo được 10 dân biểu Cộng Hòa về hùa bỏ phiếu phản phé, buộc tội ông Trump, để vụ đàn hặc có vẻ “lưỡng đảng đồng thuận”, và lên Thượng viện cũng có được 5 nghị sĩ Cộng Hòa, cuối cùng thêm được 2 người nữa, nhưng cũng quá ít và quá yếu, không thể che đậy được vở tuồng độc diễn.
Bảy đào kép “lộn sòng” này là những đảng viên Cộng Hòa được gọi với biệt danh thiếu thanh tao là RINO (Republican In Name Only), gồm có Richard Burr của North Carolina, Bill Cassidy của Louisiana, Susan Collins của Maine, Lisa Murkowsk của Alaska, Mitt Romney của Utah, Ben Sasse của Nebraska, và Pat Toomey của Pennsylvania.
Vụ xét xử đàn hặc chỉ kéo dài trong năm ngày, và chiều thứ bảy 13.2.2021, nhằm mùng hai Tết Tân Sửu,Thượng viện đã bỏ phiếu với kết quả 57 có tội và 43 vô tội, mà ai cũng đã biết trước, kể cả khán giả và những diễn viên của tấn bi hài kịch tẻ nhạt do một phe độc diễn.
Vụ xét xử đàn hặc này là vụ ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ và cựu Tổng thống Trump là người duy nhất bị đàn hặc hai lần mà cả hai đều được tha bổng.
Sự tha bổng này có nghĩa là nay ông Trump có thể để cánh cửa mở cho một cuộc tái ứng cử vào năm 2024, tuy nhiên chưa hết bị đe dọa có một vụ đàn hặc riêng dựa trên Tu Chính Án thứ 14 để ngăn cấm ông làm điều đó.
Ngay sau quyết định tha bổng của Thượng viện, cựu Tổng thống Donald Trump đã phổ biến một bản tuyên bố trong đó có đoạn (tạm dịch) như sau:
“Lời cảm ơn sâu xa nhất của tôi cũng được gửi tới các nghị sĩ và dân biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã đứng lên một cách hào hùng để bảo vệ bản Hiến Pháp mà tất cả chúng ta đều sùng kính và bảo vệ những nguyên tắc pháp lý bất khả xâm phạm tại ngay trái tim của nước ta. Thật là một lời bình luận đáng buồn về thời đại chúng ta rằng một đảng chính trị tại nước Mỹ được cho quyền tự do để bôi đen thủ tục pháp luật, phỉ báng nhân viên công lực, ca ngợi bọn tội phạm, dung túng những kẻ làm loạn, và biến công lý thành một công cụ của sự trả thù chính trị, và ngược đãi, sổ bìa đen, thủ tiêu và đàn áp tất cả những người hay những quan điểm khác biệt với họ.
“Phong trào có tính cách lịch sử, ái quốc và cao đẹp của chúng ta để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again) đã chỉ mới khởi đầu. Trong những tháng tới đây tôi có nhiều điều chia sẻ với các bạn, tôi trông đợi để cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình độc đáo của chúng ta hầu đạt tới sự vĩ đại của nước Mỹ cho tất cả nhân dân chúng ta.”
Trong khi đó, theo tin Reuters, sau khi được tin Thượng viện không kết tội ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng sự tha bổng cựu Tổng thống Thống Donald Trump về tội xúi dục một cuộc dấy loạn đã là một nhắc nhở mọi người rằng nền dân chủ tại Mỹ đã mong manh, và mọi người có bổn phận để bảo vệ sự thật.
Ông Biden cũng lưu ý rằng 57 nghị sĩ – gồm cả “một kỷ lục 7 đảng viên Cộng Hòa” - đã đồng ý kết tội ông Trump, sau một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng tại Hạ viện để đàn hặc cựu tổng thống Cộng Hòa.
Sự kiện trên đây đã một lần nữa chứng tỏ nước Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ trầm trọng, và vụ đàn hặc này đã làm cho tình trạng chia rẽ ấy trở nên trầm trọng hơn, thay vì “đoàn kết” như lời kêu gọi của ông Biden.
Sự chia rẽ ấy phát sinh từ đầu óc phe đảng, sự gian dối và đạo đức giả mà mọi người đã nhìn thấy qua những gì diễn ra trên màn ảnh truyền hình trong năm ngày xét xử cựu Tổng thống Trump tại Thượng viện Hoa Kỳ.
Đây là một chuyện lớn của nước Mỹ đang làm suy yếu siêu cường này, trong lúc có chuyện nhỏ, rất nhỏ cũng đang làm dân Mỹ chia rẽ không kém.
“Chuyện nhỏ” ấy bắt đầu từ năm 1973 khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thụ lý xét xử vụ kiện “Roe chống Wade” và đã ra phán quyết với đa số 7- 2, dựa trên Tu Chính Án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ điều khoản về “quyền riêng tư” (right to privacy) để giải thích rằng điều khoản ấy cho người phụ nữ mang thai có quyền quyết định về thai nhi trong bụng mình, nếu vì lý do gì không muốn đứa bé ra chào đời thì có quyền “phá thai”. Nói nôm na là Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã hợp pháp hóa việc phá thai.
Từ đó, chuyện nhỏ và riêng tư ấy đã là nguyên nhân gây nên sự chia rẽ sâu rộng trong dân Mỹ với sự ra đời của hai nhóm đối nghịch nhau, “pro-choice” và “pro-life”. Cuộc chiến tranh giữa hai phe đã diễn ra và kéo dài cho tới ngày nay trên nhiều mặt trận: chính trị, tôn giáo, luật pháp, khoa học, nhà trường...
Sự tranh chấp trên mặt trận chính trị dễ thấy nhất qua những cuộc bầu cử và lập trường khác nhau giữa các chính trị gia hay đảng phái.
Đáng ghi nhớ nhất là lời tuyên bố của Tổng thống Ronald Reagan trong cuộc diễn hành “National March for Life” tại Washington ngày 22.1.1987, được tổ chức hàng năm để đánh dấu ngày Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết về vụ “Roe chống Wade”. Dưới đây là những lời lẽ hùng hồn của ông Reagan để chống phán quyết ngày 22.1.1973 về quyền phá thai của phụ nữ Mỹ:
“Hôm nay các bạn nhắc nhở cho tất cả mọi người chúng ta rằng phá thai không phải là một tiến trình y khoa vô hại nhưng là việc cướp đi sinh mạng của một con người đang sống. Nước Mỹ sẽ không bao giờ bình an bao lâu mà quyền được sống, do Đấng Sáng Tạo ban cho chúng ta, bị khước từ với thai nhi. Kết hợp với nhau, chúng ta có thể đảo ngược vụ “Roe chống Wade”, và chấm dứt tấn thảm kịch quốc gia này.”
Nhưng, 48 năm đã trôi qua, kể từ ngày Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết về vụ “Roe chống Wade”, bản án hợp pháp hóa việc phá thai vẫn còn đó, và trong thời gian ấy hơn 63 triệu thai nhi đã bị hủy hoại trước khi ra chào đời, do quyết định của người mẹ.
Sáu mươi ba triệu thai nhi, tương đương với hai phần ba dân số Việt Nam hiện tại, đã bị giết chết một cách bình thản trong những bệnh viện tân tiến tại nước Mỹ văn minh.
Không rõ có phải nhờ hiểu biết sự thật đáng sợ về chuyện phá thai và có thêm nhiều thuốc men hay phương pháp ngừa thai hữu hiệu nên số phụ nữ tại Mỹ quyết định phá thai đang trên đà giảm bớt. Trong khi đó thì các chính trị gia cấp tiến trong đảng Dân Chủ, thay vì hạn chế bớt những vụ phá thai, lại làm luật cho phép mở rộng những vụ phá thai muộn kỳ, khi thai nhi đã gần tới ngày lọt lòng mẹ
Điển hình là trường hợp Tiểu bang Virginia, Thống đốc Ralph S. Northam, Dân Chủ, vốn là một bác sĩ sản khoa, hai năm trước đây đã hậu thuẫn một dự luật cho phép phá thai muộn kỳ gây nhiều tai tiếng do một nghị viên gốc Việt, bà Kathy Tran, đưa ra.
Hãy nghe Bác sĩ Northam giải thích trong cuộc tranh luận của Nghị viện tiểu bang về dự luật này:
“Nếu một người mẹ đi sinh con, tôi có thể nói với quý vị một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra. Thai nhi sẽ được đỡ ra khỏi lòng mẹ. Thai nhi sẽ được giữ cho thoải mái. Thai nhi sẽ được làm cho sống lại nếu đó là ý muốn của người mẹ và gia đình, và rồi một cuộc thảo luận sẽ diễn ra sau đó giữa các y sĩ và người mẹ.”
Ý ông thống đốc muốn nói là nếu lúc ấy người mẹ không muốn giữ đứa bé thì các y sĩ có thể chấm dứt sự sống của nó một cách hợp pháp.
Câu hỏi cần nêu ra ở đây là nếu người mẹ đưa đứa bé về nhà mới cảm thấy không muốn có con và đã tự mình “giải quyết” thì sẽ phạm tội sát nhân. Có gì khác nhau giữa hành động sát nhân của các y sĩ trong bệnh viện và hành động y hệt của người mẹ tại nhà của mình?
May mà Nghị viện Virginia đã bác bỏ dự luật ác ôn này.
Khi ấy Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích đích danh Thống đốc Northam. Ông nói trong cuộc diễn hành hàng năm của phong trào “Pro-Life” ngày 22.1.2020: “Chúng ta yêu Virginia, nhưng chuyện gì đang xảy ra tại Virginia? Ông thống đốc đã tuyên bố rằng ông ta sẽ xử tử một em bé sau khi vừa ra khỏi lòng mẹ!” (một cách hợp pháp)
Trong bốn năm vừa qua, chính quyền do ông Trump lãnh đạo được coi là chính quyền “pro-life” nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của TT Trump, hành pháp đã đẩy lui, chống lại việc dùng công quỹ tài trợ cho Planned Parenthood, một tổ chức ủng hộ phá thai, chống lại việc dùng tiền dân đóng thuế chi trả các vụ phá thai, và đề cử các thẩm phán có lập trường “pro-life” vào các tòa án, kể cả Tối Cao Pháp Viện vv.
Nay, tình thế đã đảo ngược. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã ra tuyên bố hậu thuẫn phán quyết về vụ “Roe chống Wade” và coi phá thai đồng loại với việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Chính quyền Biden/Harris đang thúc đẩy để hủy bỏ luật ngăn cấm dùng tiền thuế của dân Mỹ để tài trợ hay phát triển phá thai tại các quốc gia khác trên thế giới. Chính quyền mới đang đổ 60 triệu đô-la tiền dân đóng thuế cho Planned Parenthood qua quỹ Title X.
Thậm chí họ đang toan tính hủy bỏ Tu Chính Án Hyde, ngăn cấm dùng tiền thuế của dân để trực tiếp thanh toán những vụ phá thai theo yêu cầu. Tu Chính Án này được thông qua từ năm 1976, mang tên cựu Dân biểu Henry Hyde, Cộng Hòa- Illinois, theo đó Medicaid sẽ không trả tiền cho các vụ phá thai, trừ khi tính mạng của người phụ nữ ở trong tình trạng nguy hiểm hay việc mang thai là hậu quả của một vụ hiếp dâm hay loạn luân.
Để chống lại âm mưu này, Nghị sĩ Steve Daines, Cộng Hòa- Montana, thay mặt 47 đồng viện Cộng Hòa, vừa gửi cho Nghị sĩ Chuck Schumer, tân lãnh tụ phe đa số (Dân Chủ) tại Thượng viện, nói lên lập trường cương quyết bảo vệ quyền sống của thai nhi không thể tự vệ, cụ thể là âm mưu hủy bỏ Tu Chính Án Hyde.
Bức thư khẳng định “Phá thai không phải là chăm sóc sức khỏe. Đúng hơn, đó là một thủ tục tàn bạo hủy diệt cuộc sống của một đứa trẻ vô tội”. Thư cũng trích dẫn kết quả cuộc thăm dò gần đây cho thấy 58% người được hỏi đã phản đối việc người đóng thuế phải tài trợ cho hoạt động phá thai ở Hoa Kỳ, trong đó bao gồm 31% đảng viên Dân chủ, 83% đảng viên Cộng hòa, và 65% người độc lập chính trị.
Trước đó, 200 đảng viên Cộng Hòa tại Hạ viện đã ký vào lá thư của Dân biểu Jim Banks gửi đến các nhà lãnh đạo Quốc hội yêu cầu họ bảo vệ Tu Chính án Hyde.
Tu Chính Án Hyde còn hay mất, cuộc chiến đấu giữa hai phe “Pro-Choice” và “Pro-Life” tại Mỹ vẫn sẽ còn tiếp tục như nó đã diễn ra trong gần nửa thế kỷ vừa qua.
Trong khi đó, tại nước Úc ở nửa bên kia quả địa cầu có một câu chuyện liên quan đến sự “lựa chọn” mà dù “pro-choice” hay “pro-life” cũng nên biết.
Sinh ra với khuyết tật về tim hiếm có, Samson Farkas đã trải qua hai cuộc giải phẫu tim và đã chết lâm sàng 9 lần trước khi cậu bé được một tuổi. Nhưng cậu bé dũng cảm đã sống, và với tình yêu thương và sự trợ giúp của gia đình, cậu bé tiếp tục chiến đấu để sống còn.
Mẹ của Samson, Renee McIntosh, 40 tuổi, đã có bốn con: một cặp trai sinh đôi 19 tuổi Lachlan và Jordan, Brock 17 tuổi, và Cruiz 11 tháng.
Renee và người bạn trai, Jason Farkas, sống với nhau ở Cairns về miền cực bắc Queensland, nước Úc. Họ được cho biết vào lúc mang thai Samson dược 16 tuần rằng Renee có rủi ro lớn của hội chứng Edwards và hội chứng Down.
Suốt thời kỳ mang thai nhiều tai họa và phép lạ đã xảy ra mà bác sĩ đã phỏng đoán Samson chỉ có 5 phần trăm cơ may sống sót và đã nhiều lần đề nghị chấm dứt cái thai nhưng Renee không đồng ý. Bà nghĩ: “Đứa bé này muốn có mặt ở đây. Ta không thể lùi bước.”
Renee đi sanh tại Brisbane khi mang thai được 31 tuần lễ. Bác sĩ phải mổ tử cung đưa đứa bé ra. Samson cân được 1 kí 6 (khoảng gần 4.4 pounds), da xám xanh và sau khi làm cho sống lại cần đặt vào lồng thở và sau 32 tiếng đồng hồ, Renee mới được thấy mặt con.
Sau đó, Samson mắc nhiều chứng bệnh ngặt nghèo và được cho biết cậu bé sẽ không bao giờ biết nói hay bước đi được. Cha mẹ phải sống trong bệnh viện với Samson 183 ngày đầu tiên trong cuộc đời của con. Họ mang công mắc nợ, mất căn nhà ở Ravenshoe nhưng tái định cư tại Cairns nhờ sự giúp đỡ của thân nhân và bạn hữu.
Ngày nay, Samson đã đầy năm, đã biết nói và biết đi, nhưng chỉ có 60 phần trăm oxy bão hòa trong máu và rất dễ ngất xỉu, và thật can trường. Cậu bé thương yêu các người anh, ưa thích mặt trăng, xe lửa, bãi biển, và chơi trò làm bác sĩ. Trải qua những sư chiến đấu từng ngày với bệnh tật, Samson vẫn có thể mỉm cười với mọi người.
Renee nói với tờ Daily News: “Samson có thể sống 20 năm nữa hay có thể chấm dứt tất cả vào ngày mai. Đây là một trò chơi chờ đợi...nếu trong cuộc giải phẫu sắp tới các bác sĩ nói rằng không thể làm gì hơn nữa.”
Dù không biết nói những lời hay đẹp, cao cả như các chính trị gia, Renee đã biết chọn làm điều đúng và phải làm vì tình thương con bao la trong trái tim của Người Mẹ (viết hoa).
Ký Thiệt
( Đời Nay ra ngày 19.2.2021)
Comments
Post a Comment