Nhìn từ Việt Nam: Nước Mỹ có phải 'cũng thường thôi'? LS Đặng Đình Mạnh Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn



HÌNH ẢNH,KEVIN LAMARQUE / REUTERS
Tổng thống Biden tuyên thệ với cuốn Kinh thánh của gia đình từ năm 1893

"Tuần này, một chính quyền mới sẽ tuyên thệ và chúng tôi cầu nguyện họ sẽ thành công trong việc gìn giữ nước Mỹ an toàn và thịnh vượng. Chúng tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, đồng thời mong muốn họ gặp may mắn...".

Đó là những lời đẹp đẽ trong bài diễn văn chia tay quyền lực của ông Trump.

Công chúng Mỹ có thể "đọc vị" qua diễn văn của ông. Một mặt thừa nhận tính chính danh của chính quyền mới, mặt khác, như một thông điệp hàn gắn qua lời cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho đối thủ chính trị. Như câu ngạn ngữ Mỹ "Better late than never" nôm na "Trễ, còn hơn không bao giờ". Cuối cùng, ông ấy đã hành xử như những chính trị gia truyền thống của nước Mỹ.

Chia tay tòa bạch ốc, ông Trump trở về Florida, nhưng di sản đầy tranh cãi của ông không dễ dàng chia tay chính trường Mỹ. Nhiều chính sách đối ngoại của ông vẫn sẽ tác động lâu dài ở nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Trong ngày cuối cùng tại chức, công chúng chú ý nhiều về chi tiết sự ra đi của cựu tổng thống và lễ nhậm chức của tân tổng thống, khiến động thái đối ngoại "động trời" cuối cùng của ông Trump đối với Trung Quốc như rơi vào thinh không.

Ông Pompeo ở cương vị ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố "Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) một cách có hệ thống của chính quyền Trung Quốc".

Kế đó, ông Blinken, người được xem như là kế nhiệm chức vụ của ông Pompeo trong chính quyền Biden đã trả lời báo chí : "Đó cũng là đánh giá của tôi."

Cho thấy, hậu Trump, nhưng chính quyền Biden sẽ phải tiếp tục thực thi nhiều chính sách đối ngoại chống Trung Quốc có từ thời Trump. Theo đó, nếu chỉ tính trong phạm vi hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị tư thế đối phó với sự chế tài của Mỹ và cộng đồng quốc tế như một quốc gia đã có hành vi diệt chủng dân tộc thiểu số.

Ông Biden đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống Mỹ bất chấp một "núi" thông tin phủ nhận được tung ra trước đó "Chưa 30 chưa phải là tết", "Sẽ có bất ngờ trước giờ G.", "Quân đội sẽ bắt Biden, Obama, Clinton, Pelosi...", "Bà Pelosi bị bắt trên đường đào tẩu ở biên giới Canada"...

President Biden signs documents with Vice President Kamala Harris by his side
JIM LO SCALZO / GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bên trong Điện Capitol, Tổng thống Biden đã ký tuyên bố Ngày nhậm chức và các đề cử cho nội các và phụ tá của ông

Không chỉ thế, rất nhiều người không thích ông Biden đã dẫn con số like và dislike đối với các clip diễn văn hay clip về các hoạt động của ông để chứng minh. Không sao cả ! Không chỉ giới ủng hộ Trump mới không thích Biden, mà ngay cả nhiều người trong cùng đảng Dân Chủ cũng không thích Biden. Họ bỏ phiếu cho Biden chỉ vì họ không thích Trump mà thôi.

Một lần nữa, không sao cả ! Ai đã tin vào "núi" thông tin không kiểm chứng đang "lở" dần vì thực tế thì vẫn cứ giữ niềm tin. Chính niềm tin mạnh mẽ đó sẽ giữ chân mọi người tiếp tục quan tâm đến những hoạt động chính trị nước Mỹ. Điều đó rất nên khuyến khích. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một thực tại pháp lý rằng nước Mỹ đã có một tổng thống mới và người đó không phải là Trump.

Lo lắng cho nước Mỹ không có Trump là nỗi lo bò trắng răng.

Nước Mỹ vĩ đại vì họ có những GIÁ TRỊ làm nên điều vĩ đại, và nước Mỹ đã vĩ đại từ trước khi có Trump làm tổng thống. Thế nên, thay vì lo lắng cho họ thì hãy lo cho chính mình và hãy tự hỏi, tại sao chúng ta chưa sở hữu những GIÁ TRỊ tương tự để làm nên một xứ sở đáng tự hào hơn ?

Trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Biden nhấn mạnh "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa. Bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này". GIÁ TRỊ Mỹ nằm ở đó : "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa".

Cùng với "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa", chúng ta còn có thể học hỏi được nhiều GIÁ TRỊ hơn được rút ra từ cuộc bầu cử gây ồn ào nhất trong sinh hoạt chính trị hiện đại, bằng nhiều câu hỏi:

Rằng tại sao các tu chính án, các điều luật của bản Hiến pháp Mỹ lại được cả hai bên trong cuộc bầu cử thường xuyên viện dẫn? Có phải ý chí thượng tôn pháp luật đang là GIÁ TRỊ Mỹ?

Rằng tại sao công dân Mỹ được đi bầu cử cho vị nguyên thủ quốc gia, điều mà chúng ta thấy xa lạ? Có phải chính quyền của dân, do dân và vì dân chỉ xuất phát từ định chế bầu cử tự do?

Rằng tại sao đảng cầm quyền lại không thể chỉ đạo, chỉ thị cho tòa án ? Có phải do tòa án chỉ biết tuân thủ hiến pháp và pháp luật?

Rằng tại sao các vị thẩm phán của tối cao pháp viện do đảng cầm quyền bổ nhiệm lại không bảo vệ quyền lợi cho đảng đã bổ nhiệm mình? Có phải do tính độc lập của thẩm phán đã vượt lên trên quyền lợi đảng phái chính trị?

Rằng tại sao hệ thống cảnh sát, vệ binh quốc gia và quân đội lại tuyên bố chỉ bảo vệ đất nước và luật pháp mà không bảo vệ đảng cầm quyền? Phải chăng họ cho rằng lợi ích quốc gia mới là tối thượng và xứng đáng được bảo vệ, mà theo đó, quyền lợi đảng phái không thể có vị trí ngang bằng hoặc cao hơn?

Amanda Gorman reads her poem at President Biden's inauguration
PATRICK SEMANSKY / EPA

Chụp lại hình ảnh,

Nhà thơ Amanda Gorman đọc bài thơ The Hill We Climb của cô trong buổi lễ nhậm chức

Rằng tại sao có thể luận tội một nguyên thủ quốc gia đương chức? Phải chăng nguyên tắc "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" đang thật sự tồn tại?

Rằng tại sao người dân Mỹ lại có thể tự do ngôn luận, tự do báo chí đến mức chỉ trích kịch liệt ứng cử viên hoặc đảng chính trị mà mình không tín nhiệm mà không bị chế tài? Phải chăng họ không có những điều luật hình sự cấm tuyên truyền chống chính quyền hoặc cấm lợi dụng những quyền tự do dân chủ?

Và rằng tại sao người dân Mỹ lại có thể sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu đạt chính kiến qua những cuộc biểu tình có đến hàng trăm nghìn người tham gia? Phải chăng họ không cấm đoán biểu tình?

GIÁ TRỊ Mỹ làm nên nước Mỹ vĩ đại và nước Mỹ chưa bao giờ tuyên bố độc quyền, chiếm lấy GIÁ TRỊ Mỹ làm của riêng.

Nước Mỹ tin vào Chúa và minh định điều đó bằng cách in thẳng vào đồng tiền "In God we trust", nôm na "Chúng ta tín thác vào Chúa". Theo đó, đất nước họ đã được chúc lành. Bản thân đức tin cũng lại là một GIÁ TRỊ Mỹ khác đáng ngưỡng mộ.

Ngẫm xem, sau khi quan sát, theo dõi cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, chúng ta đã học hỏi được những gì ở quốc gia vĩ đại này, cả ưu lẫn khuyết? Nếu không, thì quá phí hoài. Thật sự !

Sài Gòn, ngày 22/01/2021

Lady Gaga sings with Joe Biden standing behind her
ALEX WONG / GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Lady Gaga hát quốc ca trong lễ nhậm chức


https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55784807

Comments